Blog Bỉm Sữa

CHUYÊN GIA LƯU Ý VỀ TIÊM VẮC XIN COVID-19 CHO PHỤ NỮ MANG THAI & ĐANG CHO CON BÚ

Gánh nặng gây ra cho phụ nữ có thai khi mắc Covid-19 cao gấp trăm lần so với người bình thường. Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú cần nhanh chóng tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi đủ điều kiện.

Các loại vắc xin Covid-19 AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna đều có thể tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ cho con bú nếu được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng. Tiêm vắc xin Covid-19 là rất quan trọng, bỏ qua hoặc trì hoãn vắc xin sẽ không còn cơ hội thay đổi nếu chẳng may mắc bệnh.

Thông tin do bác sĩ Trương Hữu Khanh – nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM; BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM; BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC chia sẻ trong chương trình tư vấn “Cập nhật hướng dẫn của Bộ Y Tế về Chích ngừa vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai & cho con bú” do Hệ thống tiêm chủng VNVC, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam và Báo điện tử Vnexpress.net tổ chức ngày 11/8/2021.

Chỉ trong vòng 90 phút, chương trình đã nhận về hơn 1.000 câu hỏi gửi về xoay quanh vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú tiêm vắc xin gì phòng Covid-19? Nên tiêm ở tháng thứ mấy thai kỳ? Những lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19 cho thai phụ và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ? Vắc xin Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không? Những phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, phản ứng nào đáng lo ngại? Điều này phản ánh nhu cầu rất lớn của chị em phụ nữ mong muốn được giải đáp thông tin một cách toàn diện, khoa học, kịp thời, thiết thực về tiêm vắc xin Covid-19 an toàn, hiệu quả.

Lợi ích của vắc xin COVID-19 lớn hơn nguy cơ tiềm đối với mẹ và thai nhi

Ngày 10/8/2021, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT, đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm chủng mà trước đây là đối tượng trì hoãn, nay thuộc nhóm cần thận trọng tiêm chủng; đồng thời đưa phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi nhóm cần thận trọng tiêm vắc xin. Như vậy, với quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19, trừ vắc xin Sputnik V vì theo hướng dẫn, vắc xin này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Quyết định mở rộng đối tượng tiêm chủng là tin mừng cho hàng triệu phụ nữ đang chuẩn bị làm mẹ, vừa bắt đầu hành trình nuôi con đang rất quan tâm đến vấn đề tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Lý giải về nguyên nhân chọn mốc 13 tuần để đưa vào nhóm thận trọng tiêm chủng vắc xin Covid-19, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, việc chia thai kỳ phụ nữ thành 3 giai đoạn trung bình gồm 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ, trong đó, giai đoạn đầu tiên rất quan trọng, nếu không thận trọng có thể gây ra các dị dạng thai, vì vậy chuyên gia thường khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin sau giai đoạn này.

“Trước đây khi việc tiêm vắc xin mới bắt đầu triển khai, Bộ Y tế khuyến nghị không tiêm cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau thời gian kiểm nghiệm thì Bộ Y tế đã điều chỉnh, mở rộng và hướng dẫn phụ nữ mang thai có thể tiêm”, bác sĩ Chính cho biết.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC trong chương trình tư vấn ngày 11/8/2021

Viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển, tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ mang thai, đang cho con bú cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình và em bé.

Mặc dù mang thai được coi là một hiện tượng bình thường về mặt sinh lý, nhưng khi mang thai cơ thể người phụ nữ phải chịu gánh nặng gấp đôi. Thận và gan, hệ tim mạch và hệ hô hấp phải hoạt động với cường độ mạnh hơn. Nếu cộng vào đó sự căng thẳng mà cơ thể phải chịu đựng thêm trong trận chiến với SARS-CoV-2, thì khả năng cao là phải đưa người mẹ mới sinh vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 là cơ hội bảo vệ cho cả mẹ và con. Bệnh chuyển biến ở những phụ nữ có thai bệnh sẽ nặng hơn nhiều so với người bình thường. Gánh nặng cho phụ nữ có thai gấp cả trăm lần, em bé có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm, mẹ thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… có thể đe dọa tính mạng, tốn kém chi phí điều trị. Đối với biến chủng hiện tại mẹ có thể diễn biến bệnh nặng nề hơn rất nhiều.”

Phụ nữ mang thai vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau, từ ngoài xã hội cho đến trong gia đình. Thực tế hiện nay, phụ nữ mang thai không thể ở trong nhà mãi mà còn phải đi làm, đi khám thai hay giải quyết những việc cấp thiết khác, do đó việc phòng ngừa bệnh tật là một điều rất quan trọng.

Trước kia, vắc xin cúm không có chỉ định tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, nhưng sau đợt dịch H1N1 từ năm 2009, người ta thấy gánh nặng bệnh tật ở đối tượng phụ nữ mang thai sau khi mắc cúm quá lớn nên vắc xin như cúm được ưu tiên tiêm trong thai kỳ. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã nhận thấy tác động khủng khiếp của Covid-19 nên cần phải ưu tiên tiêm vắc xin cúm. Vì vậy, khi có cơ hội tiêm vắc xin Covid-19, phụ nữ đang mang thai và phụ nữ cho con bú nên tiêm vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi càng sớm càng tốt, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Phụ nữ đang cho con bú được khuyến khích nên tiêm vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt. Các chuyên gia cho biết, tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 được sử dụng hiện nay không chứa virus sống, vì thế nó rất an toàn. Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19, đồng thời vẫn tiếp tục cho con bú sau tiêm.

Lý giải về việc phụ nữ cho con bú tiêm vắc xin thì kháng thể có truyền qua sữa mẹ hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ khác hoàn toàn với phụ nữ đang mang thai, các nghiên cứu không thấy mARN thông tin có truyền qua sữa mẹ. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể sẽ vào cấu trúc di truyền để tạo ra protein gai, từ protein gai mới tạo ra được kháng thể và kháng thể mới đi qua được sữa mẹ. Ngay cả protein cũng không chắc chắn có thể truyền qua được qua đường sữa mẹ. Do đó, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, phụ nữ vẫn có thể cho con bú sữa mẹ, không có vấn đề gì phải lo lắng.

tiem phong covid

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần không nên trì hoãn cơ hội tiêm vắc xin Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, vắc xin là vũ khí tối ưu để chấm dứt đại dịch. Nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85%. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 quy mô lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, an toàn, hiệu quả và công bằng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Trì hoãn tiêm hay “kén chọn” vắc xin vào lúc này chính là rào cản lớn, làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Về thắc mắc mẹ bầu nên lựa chọn tiêm loại vắc xin Covid-19 nào, BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh: “Chúng ta không nên so sánh. Tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều tiêm được cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hiệu quả vắc xin là phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm bệnh nặng phải thở máy, giảm tử vong… thì các loại vắc xin đó đều như nhau. Đừng chờ đợi hay lựa chọn, hãy tiêm khi có cơ hội”.

Về mặt sản khoa, phụ nữ mang thai đơn có những khác biệt so với phụ nữ mang thai đơn về nguy cơ sinh non, sảy thai to… Tuy nhiên, đối với việc tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 thì không khác biệt. Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, thai phụ khám vẫn phải tiến hành sức khỏe thai nhi định kỳ như thông thường để được sàng lọc một số các yếu tố nguy cơ. Hiện tại tất cả các dữ liệu trên thế giới về sản khoa không cho thấy có sự khác biệt giữa thai đơn và đa thai trong vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho rằng, để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên tiêm chủng ở bệnh viện có khoa Sản. Trong trường hợp các cơ sở y tế như: trung tâm y tế, đội tiêm, bệnh viện đa khoa không có khoa Sản… đảm bảo điều kiện, có thiết bị cấp cứu, kỹ năng, được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng về kiến thức cho cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là khâu khám sàng lọc trước tiêm, bảo chỉ định tiêm chủng chính xác… … thì vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 cho thai phụ. Các đơn vị tiêm chủng cũng cần được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng những phương án xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Nói về vấn đề vắc xin Covid-19 gây vô sinh, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khẳng định vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, không ảnh hưởng đến buồng trứng hay sinh dục. Nếu phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo tiêm một số loại vắc xin như cúm, sởi quai bị rubella, thủy đậu… để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ thì vắc xin Covid-19 cũng vậy, tiêm vắc xin Covid-19 là cách bảo vệ thai phụ và thai nhi khỏi biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu không may nhiễm bệnh.

Hầu hết phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 là những phản ứng thông thường như đau, đỏ tại vị trí tiêm hoặc các triệu chứng “giả cúm” như mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu, sốt… Các phản ứng này thường sẽ tự khỏi trong vòng 2-3 ngày sau tiêm. Trong trường hợp sốt cao, lạnh run có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu. Nếu xuất hiện tình trạng nôn ói, đi ngoài, mệt lả, khó thở… gây khó chịu, người được tiêm nên đến ngay bệnh viện kiểm tra, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm.

Trong trường hợp phụ nữ khi tiêm vắc xin Covid-19 về mới phát hiện có thai cũng không cần quá lo lắng. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy vắc xin Covid-19 vẫn được tiêm cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú ở các nước trên thế giới và chưa có bằng chứng nào ghi nhận ảnh hưởng tế bào trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Tại Mỹ, vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna đều được tiêm cho phụ nữ mang thai ở bất cứ giai đoạn nào.

Thai phụ mắc tiểu đường, tim mạch, có bệnh nền điều trị ổn định… được khuyến cáo có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19. Những đối tượng đã có kháng thể Covid-19, tức đã từng mắc và điều trị Covid-19 thì theo khuyến cáo của Bộ Y tế sau 6 tháng có thể tiêm vắc xin.

Trước khi tiêm vắc xin, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú nên ăn uống hợp lý, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, hợp tác khai báo y tế, tuân thủ 5K, thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử dị ứng, các bệnh cấp tính/mạn tính đang mắc, các thuốc đang sử dụng… Sau khi tiêm cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu xuất hiện các biểu hiện như nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *